Người Anh đến
Đàng Ngoài khi thời kỳ hưng thịnh của ngoại thương Đàng Ngoài nói riêng và khu
vực Đông Á nói chung đã cơ bản chấm dứt. Với mong muốn thiết lập quỹ đạo thương
mại Đông Á như người Hà Lan đã thực hiện thành công trong suốt hơn nửa thế kỷ
trước đó, năm 1672, công ty Đông Ấn Anh phái tàu từ Bantam (Inđônêsia) đến Đàng
Ngoài đặt quan hệ thông thương chính thức và được chấp nhận. Tuy nhiên kế hoạch
Đông Á của người Anh hoàn toàn thất bại do sau khi nỗ lực tái lập quan hệ
thương mại với Nhật Bản vào năm 1673 không thành công, chiến tranh với người Hà
Lan ở cả châu Á và châu Âu, thương điếm ở Đàng Ngoài chỉ được lập ở Phố Hiến - một thị trấn
nghèo nàn và xa trung tâm thương mại Kẻ Chợ…Mãi đến năm 1683, người Anh mới được
phép chuyển thương điếm lên Thăng Long nhưng đến lúc này sự quan tâm của EIC đến
thị trường Đàng Ngoài cũng như toàn khu vực Đông Á không còn sâu sắc như giai
đoạn trước. Giống như người Hà Lan, thương mại của người Anh ở Đàng Ngoài mang
tính cầm chừng vì họ còn nuôi hi vọng mở cầu buôn bán với Trung Quốc lục địa.
Sau nhiều năm buôn bán thua lỗ, EIC quyết định bỏ thương điếm Đàng Ngoài năm
1697 và chuyển hướng vào Đàng Trong.[1]
2. Về chuyến đi của Dampier đến Đàng Ngoài
Có thể nói mục
tiêu của Dampier trong chuyến đi đến Đàng Ngoài là để tìm kiếm một cơ hội nhằm ổn
định sự nghiệp của mình gắn với công ty Đông Ấn Anh. Sau khi đã kiệt sức và có
phần chán nản với hơn 9 năm phiêu du trên biển từ Âu sang Mỹ rồi lại vượt Thái
Bình Dương về tận phương Đông, Dampier giờ đây muốn tìm kiếm một vị trí có lợi
trong các chuyến thám hiểm tiềm năng buôn bán của EIC ở bán đảo Đông Dương. Tại
Achin, ông được thuyền trưởng Weldon hứa hẹn khi đến Đàng Ngoài sẽ mua một chiếc
thuyền để giao cho Dampier phụ trách việc đi thăm dò khả năng buôn bán với Đàng
Trong, Chămpa hoặc Cao Miên. Nhằm tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn của viên giám đốc
thương điếm Anh ở Kẻ Chợ trong việc triển khai kế hoạch này, “thuyền trưởng
Weldon đã giới thiệu tôi một cách đặc biệt với ông giám đốc thương điếm trong
khi ông ta ở trên tàu. Và lý do làm tôi đi thăm thành phố [Kẻ Chợ] là nhằm làm
sao cho ông ta bằng lòng giúp tôi, nếu có thể được, trong cuộc hành trình đi Đàng
Trong, Champa hay Cao Miên mà thuyền trưởng Weldon có ý định giao cho tôi đảm
nhận” (chương I). Cũng chính hi vọng này đã thôi thúc Dampier cất công lên Kẻ
Chợ lần thứ hai, sau khi Weldon vừa tham gia chuyến đi lấy gạo ở tỉnh Tenan về. Đáng tiếc là tham vọng của
Dampier không thành hiện thực; không có chuyến đi nào đến Đàng Trong, Chămpa và
Cao Miên được thực hiện như đã dự định. Với lòng ngưỡng vọng dành cho viên thuyền
trưởng, Dampier đã khẳng định ngay từ đầu sách: “lỡ như dự định này không thành
thì cũng chẳng phải lỗi ở ông ta” (chương I) trong khi lại gán phần lớn trách
trách nhiệm cho viên giám đốc thương điếm Anh ở Kẻ Chợ - “một kẻ ti tiện so với
vị trí giám đốc mà hắn ta đang chễm trệ ngồi lên […] một kẻ thiếu tài cán để
xoay sở công việc đang nắm giữ - không phù hợp cho bất kỳ một việc thử nghiệm mới
nào” (chương V). Ngoài ra, lý do gián tiếp để Dampier đi Đàng Ngoài là do trên
tàu của Weldon “có một thầy thuốc rất giỏi trong khi tôi lại đang rất cần đến sự
giúp đỡ của ông ta” (chương I) sau khi bị ốm nặng trong cuộc hành trình dài
trăm dặm bằng ca nô từ đảo Nicobar sang Achin.
Rời Achin vào tháng 7 năm 1688, Dampier và tàu của
Weldon đi qua eo biển Singapore và ngược lên phía bắc, đi dọc bờ biển Chămpa và
Đàng Trong để tiến vào vịnh Đàng Ngoài. Tại đây, như tàu của người Hà Lan thường
làm, tàu của người Anh buông neo ở trước vùng cửa sông chờ hoa tiêu và thuỷ triều
dâng lên để vượt qua lối hẹp và nông do dải cát bồi ngang cửa sông. Sau khi đã
vượt qua cửa sông an toàn, họ buông neo ở một vị trí cách cửa sông chừng vài dặm
và chờ quan địa phương đến giám sát nhân sự và hàng hoá. Sau đó, Dampier theo
thuyền trưởng Weldon lên Kẻ Chợ một vài ngày để thăm thú và quan trọng hơn là
làm quen với viên giám đốc thương điếm Anh để bàn kế hoạch đi thám hiểm khả
năng buôn bán với Đàng Trong và những nơi khác thuộc bán đảo Đông Dương. Sau đó
Dampier quay lại tàu ở vùng cửa sông trong khi đoàn thuyền của người Anh thực
hiện chuyến đi lấy gạo ở Tenan. Ngay
sau khi đoàn từ Tenan trở về, Dampier
lại hối hả đi bằng đường bộ lên thương điếm Anh ở Kẻ Chợ để tìm hiểu kế hoạch
đi thám hiểm Đàng Trong. Từ vùng cửa sông, Dampier đi ngược lên Phố Hiến, ghé thăm vị
giám mục người Pháp và đàm đạo với vị linh mục ở đó. Từ Phố Hiến, ông lại đáp đò ngược sông Hồng
lên Kẻ Chợ. Sau nhiều ngày vất vả ông cũng lên đến kinh đô nhưng “bên cạnh sự ốm
yếu là nỗi thất vọng khi tôi được các nghe tin tức có liên quan. Tôi nhận thấy
rằng có vẻ như tôi sẽ không được trưng dụng trong bất kỳ một chuyến đi nào đến
các quốc gia lân cận như trước đây tôi đã từng được đề nghị” (chương V). Chán nản,
Dampier rời Kẻ Chợ, xuôi dòng trên một chiếc thuyền mà thương điếm Anh thuê để
vận chuyển hàng hoá xuống tàu để chuẩn bị nhổ neo xuôi về phương nam. Khoảng cuối
năm 1688, Dampier khởi hành cùng tàu của thuyền trưởng Weldon, kết thúc gần nửa
năm thăm thú vương quốc Đàng Ngoài
[1] Farrington
A., “English East India Company Documents Relating Pho Hien and Tonkin”, Pho Hien-the Centre of International
Commerce in the 17th – 18th Centuries, Hanoi, 1994; Hoang Anh Tuan, “From
Japan to Manila and Back to Europe: The English Abortive Trade with Tonkin in
the 1670s”, Itinerario, Leiden, The
Netherlands, 3-2005.
SOCIALIZE IT →