Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Cuộc sống cư dân Đàng Ngoài dưới con mắt Dampier

Posted By: Unknown - 03:14


Cuộc sống cư dân Đàng Ngoài dưới con mắt Dampier

Vương quốc Đàng Ngoài giáp Trung Quốc ở phía bắc và đông bắc, giáp Lào ở phía tây, giáp Đàng Trong và biển về phái nam và phía đông. Biển cả nằm ven theo một phần duyên hải của vương quốc này. Tôi không biết cụ thể về các đường biên và những vùng giáp ranh vì tôi đến Đàng Ngoài bằng đường biển, sau đó lại đi thẳng tới Kẻ Chợ. Nhưng cứ căn cứ vào số tỉnh mà nó có thì có thể tin rằng đây là một vương quốc khá lớn. Phần giáp biển của vương quốc Đàng Ngoài là một vùng bằng phẳng, không có núi non ngoại trừ núi Voi và vài hòn núi thấp chạy kế tiếp từ đó ra đến cửa sông Domea. Khoảng 60 dặm sâu vào trong đất liền đất đai vẫn còn bằng phẳng, thậm chí khoảng 40 dặm nữa đến gần Kẻ Chợ địa hình cũng chẳng cao lên là bao. Người ta không thấy ở đó một ngọn núi nào đáng kể nào tuy rằng địa hình chỗ nọ chỗ kia có phần cao lên, tạo thành một phong cảnh khá đẹp mắt. Phía bên kia còn có bề sâu hơn bên này, thậm chí còn phẳng hơn cả vùng đồng bằng xung quanh Phố Hiến và Kẻ Chợ. Về phần đất nằm bên kia vùng này cũng như ngược quá lên về phía bắc, người ta quả quyết với tôi rằng có một dãy núi cao trải dài từ đông sang tây. Tuy nhiên tôi không biết nếu đi xa hơn thế nữa thì sẽ còn có những gì.
Đất đai xứ này nói chung màu mỡ. Miền thấp nhất mà tôi đã nói nằm về phía biển, chủ yếu gồm đất đen và ở một mức khá sâu. Ở một vài nơi có một thứ đất thó rất quánh, ngả màu vàng nhạt hay xám nhạt. Loại đất này kém chắc và kém dính hơn loại đất thứ nhất tuy cũng có chỗ nó cũng mang đặc tính của đất thó. Tại vùng bằng phẳng nằm gần những trái núi chúng tôi vừa kể, người ta nói rằng có một vài mỏm đá hoa rất cao và thẳng đứng, phân bố rải rác ở hai bên, cách nhau không đều làm cho trông từ đằng xa - kết hợp vị trí của chúng trong những đồng bằng bao la ấy – trông giống như những lâu đài hoặc tháp lớn. Chúng hiện lên càng rõ hơn bởi các vùng xung quanh không có rừng cây như ở những chỗ lân cận.
Tôi đã nói một vài điều về con sông cái và những nhánh của nó là RockboDomea - hai con sông chính tưới cho xứ này, tuy rằng còn nhiều nhánh sông nhỏ khác đổ vào đây trước khi chảy ra biển. Ngoài ta còn có nhiều con sông khác nữa đổ thẳng ra biển mà không hợp lưu với dòng sông nào, tuy chúng không thuận tiện cho giao thông bằng các dòng sông khác. Nhìn chung xứ này được bồi tưới tốt. Cũng nhờ có các dòng sông thuận tiện cho việc đi lại này mà ngoại thương có thêm cơ hội phát triển. Con sông cái bắt nguồn từ các núi ở phía bắc hay thậm chí xa hơn nữa, chảy xuống phương nam và đổ ra biển, xuôi qua đồng bằng nơi chúng tôi đã nói rằng có những mỏm đá cẩm thạch và qua Kẻ Chợ - thành phố nằm cách các quả núi ấy chừng 40 hay 50 dặm về phía nam. Nó đại khái cũng rộng bằng sông Theme ở vùng Lambeth; nhưng vào mùa nóng nước xuống thấp đến nỗi người ta có thể cưỡi ngựa lội qua sông một cách dễ dàng. Tại Phố Hiến, nghĩa là đi xuôi thêm một hai chục dặm, nó rộng hơn so với sông Thame lúc chảy qua vùng Gravesend và mé dưới Phố Hiến - ở chỗ nó chia ra làm đôi - cũng vậy.
Người ta nói rằng vương quốc Đàng Ngoài được chia thành 8 tỉnh lớn, gồm có tỉnh Đông, Tây, Bắc, Nam và tỉnh Kẻ Chợ nằm giữa bốn tỉnh này. Tôi cho rằng tỉnh thứ 5 này là tỉnh chính trong tất cả mấy tỉnh ấy vì nằm ngay ở trung tâm của vương quốc. Ba tỉnh còn lại Tenan, Teneboa và Ngeam nằm gần miền biên thuỳ hơn.
Tỉnh Tenan[1] là tỉnh ở quá về phía đông nhất, giáp Trung Quốc về phía đông nam, giáp đảo Hải Nam và biển về phía nam và phía tây nam, giáp tỉnh Đông về phía tây bắc. Tenan là một tỉnh nhỏ, nguồn lợi chính là gạo.
Tỉnh Đông trải dài từ Tenan đến tỉnh Bắc, cũng giáp Trung Quốc về phía đông, giáp một phần tỉnh Nam và tỉnh Kẻ Chợ về phía tây, giáp biển về phía nam. Đây là một tỉnh rất lớn, đất đai rất trũng, phần lớn là cù lao, nhất là miền phía đông nam giáp biển và tỉnh Tenan. Ở đây biển xâm thực vào trong tạo thành một cái vịnh. Có rất đông dân chài sống ở gần biển. Sản phẩm tỉnh Đông sản xuất ra nhiều nhất là gạo. Ở đây cũng có những bãi cỏ chăn nuôi tốt cùng với nhiều gia súc. Phố Hiến là thủ phủ của tỉnh này và là nơi đặt dinh cơ của quan tổng trấn.
Tỉnh Nam là hòn cù lao tam giác do biển tạo ra. Con sông Domea ở phía đông ngăn nó với tỉnh Đông, con sông Rockbo ở phía tây ngăn nó với Tenan và mặt phía nam giáp biển. Tỉnh này là một vùng rất thấp và bằng phẳng, sản xuất ra rất nhiều gạo. Ở đây cũng có những bãi chăn nuôi rộng và có nhiều dân chài sống ven biển.
Teneboa (Thanh Hoá) nằm ở phía tây Rockbo, phí bắc giáp tỉnh Tây, phía tây giáp đảo Hải Nam và phí nam giáp biển. Tỉnh này cũng là một vùng trũng, có nhiều nhất là gạo và gia súc. Ở đây người ta buôn bán hải sản khá lớn như người ta thường làm trên khắp các vùng duyên hải.
Tỉnh Ngeam (Nghệ An) có Teneboa ở phía đông, giới hạn ở phía nam và phía tây là Đàng Trong, phía bắc giáp tỉnh Tây. Đây là một tỉnh khá lớn, giàu thóc lúa và gia súc. Ở đây lúc nào cũng có binh lính canh giữ biên giới để đề phòng người Đàng Trong xâm lấn.
Tỉnh Tây có Ngeam ở phía nam, vương quốc Lào ở phía tây, tỉnh Kẻ Chợ ở phía đông và ở phía bắc là tỉnh Bắc. Đó là một tỉnh lớn, rất đẹp, đất đai giàu có về tài nguyên gỗ và bãi cỏ chăn nuôi. Sản phẩm đặc biệt của tỉnh này là sơn sốngngười ta cũng chăn ở đây một số lớn tằm để kéo tơ.
Tỉnh Bắc là một xứ to và là miền bắc của toàn vương quốc, phía tây giáp vương quốc Lào, phía đông và phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp vương quốc Bao (còn gọi là Boatan). Về phía nam, nó giới hạn bởi ba trong số những tỉnh chính của vương quốc là tỉnh Tây, Kẻ Chợ và tỉnh Đông. Vì tỉnh Bắc rộng cho nên tính chất đất đai rất khác nhau. Phần rộng nhất của nó là một vùng thôn quê, nơi có nhiều núi cao có chứa vàng. Voi có ở trong các vùng núi của tỉnh này. Các vùng khác trong tỉnh sản xuất ra sơn sống và tơ tằm…
Tỉnh Kẻ Chợ - trung tâm của vương quốc - nằm giữa các tỉnh Đông, Tây và Nam. Đây là một vùng đất rất đẹp và trù phú. Đất đai màu vàng hay màu xám và có khá nhiều gỗ. Hai mặt hàng chính của nền thương mại là sơn sống và tơ tằm có rất nhiều ở đây; gạo có chút ít. Có thể nói rằng không một tỉnh nào trong số các tỉnh này thiếu những thứ ấy tuy rằng tỉnh nọ không đầy đủ bằng tỉnh kia do tính chất thổ nhưỡng khác nhau.
Nước này tự sản xuất ra được tất cả những gì cần thiết cho đời sống của con người. Họ không phải ăn các loại củ rễ khi thóc gạo đã có nhiều đến như thế. Tuy nhiên, để thay đổi khẩu vị họ có củ cải, khoai lang - những thứ có thể mọc tươi tốt ở đây như bất cứ nơi nào khác trên thế giới nếu dân trong nước chịu khó chăm bón.
Khắp nơi trong nước mọc đầy các loại rau, không loại này thì loại khác. Nhưng những vùng khô và cạn đều cùng một hoàn cảnh như các vùng khô khác của miền nhiệt đới, bị che phủ bởi toàn rau sam - giống rau khi trở thành dại rồi thì rất độc đối với tất cả mọi giống rau và cây cỏ khác hãy còn non. Dân trong nước rất vất vả để nhổ nó khỏi ruộng vườn của họ, tuy rằng nó ăn rất ngọt và có thể dùng làm một món sa lát rất tốt ở xứ nóng.
Ở đây rất phổ biến thứ rau mọc ở hồ và nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Lá nó xanh, hẹp, dài và dày. Người trong nước rất ưa chuộng và ăn rất nhiều. Dân địa phương nói rằng loại rau này dùng để giải nọc độc rất tốt.[2]. Xứ này sản xuất ra nhiều giống rau rừng khác nữa, vườn tược đều có khá nhiều các loại rau lành nhất và ngon nhất, đặc biệt là hành. Người trong nước sản xuất ra một số lượng hành rất lớn.
Mã đề và chuối ở đây cũng tươi tốt như mọi nơi khác. Chúng được dùng như hoa quả chứ không phải để làm bánh mỳ như ta thường thấy tại nhiều nơi bên châu Mỹ. Ngoài các quả ấy ra còn nhiều loại khác rất ngon, hoặc mọc trên mặt đất, hoặc mọc ở trên cây. Loại mọc trên mặt đất là bí đỏ, dưa, dứa… và loại mọc trên cây là xoài, muỗm, cam, chanh, dứa, ổi, dâu, trầu không - thứ người ta rất chuộng- và vải. Có nhiều loại cam, trong đó có hai loại ngon hơn tất cả các loại khác. Một trong hai loại ấy gọi là cam-chain còn loại kia là cam-quit.[3] Chữ cam trong ngôn ngữ Đàng Ngoài có nghĩa là quả cam; nhưng tôi không biết phân biệt nghĩa của các chữ “chain” và “quit”.
Cam-chain là một thứ cam to, màu vàng nhạt. Vỏ của nó khá ráp và dày, còn bên trong thì vàng như hổ phách. Mùi nó rất thơm và vị thì tuyệt diệu vô cùng. Giống cam này là loại ngon nhất tôi đã từng được nếm trong đời. Tôi cho rằng trên thế gian này không có giống cam nào ngon hơn thế. Ai cũng có thể tha hồ ăn vì nó ít độc đến nỗi người ta cũng chẳng bắt người bị sốt hoặc bất kỳ bệnh gì khác phải kiêng.
Cam-quit là một thứ quả tròn và rất nhỏ, không to bằng phần nửa quả cam-chain, màu đỏ sẫm, vỏ rất mềm và rất dễ bóc. Bên trong nó cũng thật đỏ và vị thì chẳng thua gì cam-chain nhưng người ta quả quyết rằng nó rất độc, nhất là đối với những ai bị chứng đi tả vì nó có thể làm chứng này tăng lên mà lại còn có thể gây ra chứng ấy nữa. Hai loại cam này đều có rất nhiều ở đây, giá rất rẻ. Mùa của chúng trong khoảng tháng 10 đến tháng 2 dương lịch, nhưng lúc ấy giống cam-chain trở nên đỏ hơn, và vỏ cũng trở nên mỏng hơn. Các loại cam khác không được ưa chuộng bằng.
Chanh Đàng Ngoài là giống chanh to nhất tôi mà tôi từng thấy. Thường chúng to bằng một quả chanh thường nhưng tròn hơn nhiều. Quả đã chín vỏ rất mỏng và mịn, có màu vàng nhạt. Chúng có nhiều nước vô cùng nhưng vị không chua và không gắt như chanh miền Tây Ấn.
Dừa và ổi có mọc ở đây, nhưng loại thứ hai không nhiều.
Trầu không của xứ Đàng Ngoài được coi là ngon nhất ở đất Ấn và sản lượng cũng thật dồi dào. Người ta chuộng nhất là lúc nó còn non, xanh và mềm vì khi ấy nó có nhiều nước, ở Mindanao cũng thế, trong khi tại các xứ khác ở phương Đông người ta thường nhai trầu khi nó đã cứng và khô.
Vải là một loại quả rất ngon khác. Nó to bằng một quả lê nhỏ, hơi bầu dục và có màu đỏ nhạt, vỏ khá dày và ráp, bên trong màu trắng, có một hột to và đen có hình dạng như một hạt đậu to.
Rừng có ở vài nơi trong nước. Vùng trũng chủ yếu là những cánh đồng cỏ hoặc ruộng lúa, rải rác xung quanh là những khóm rừng nhỏ trông rất thanh bình. Cây cối trong rừng có nhiều loại khác nhau và chúng thường rất xa lạ đối với chúng tôi. Rừng có những loại gỗ rất tốt dùng cho xây dựng, đóng tàu, làm nhà hoặc để làm các loại cột buồm.
Ở đây có một thứ cây mà cư dân gọi là pone,[1] được dùng phổ biến nhất để đóng tủ hoặc làm những đồ sơn. Đó là một thứ gỗ mềm, không khác loài mã vĩ tùng là mấy, nhưng không tiện dụng bằng. Ở xứ này còn có mọc một giống cây khác cho thứ dầu đánh bóng, người ta dùng để quét ra bên ngoài các loại tủ con và nhiều thứ đồ đạc đẹp mắt khác kiểu như thế.[4] Giống cây này mọc nhiều ở một vài nơi nhưng đặc biệt là ở vùng thôn quê bằng phẳng. Dâu được trồng phổ biến để chăn tằm quay tơ - sản phẩm thương mại chính của vương quốc này. Lá của các cây dâu già dùng nuôi tằm không tốt như lá cây non nên họ trồng một số lớn cây non hàng năm để lấy lá cho tằm ăn. Khi hết mùa, họ nhổ đi để trồng lại cho năm sau. Cư dân không bao giờ để cho những cây ấy đủ lớn để ra quả. Tôi chưa từng nghe nói về việc người ta giữ lại cây dâu để lấy quả ăn ngoại trừ một vài cây được thương nhân Anh chúng ta trồng tại Phố Hiến. Vả lại chúng chỉ ra một thứ quả bé ăn chẳng ra gì cả.



[1] Tenan (người Hà Lan gọi là Tinnam), nằm ở mạn đông bắc, chủ yếu giáp vùng Quảng Yên, Móng Cái ngày nay. Trong suốt thập niên 1660s, sau khi để mất Đài Loan về tay Trịnh Thành Công, người Hà Lan luôn tìm cách thuyết phục chúa Trịnh cho phép đến Tenan lập thương điếm buôn bán với người Trung Quốc nhưng không được.
[2] Có lẽ là rau muống.
[3] Có lẽ là cam sànhcam quýt.
[4] Có lẽ là cây sơn ta.

Admin Unknown

Chào mừng bạn đến với trang thông tin Phố Hiến, cùng chúng tôi hãy xây dựng một Phố Hiến văn hóa, bản sắc, phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

BẢN ĐỒ PHỐ HIẾN NAY

TRANG TIN

Trang tin nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Phố Hiến Hưng Yên

Copyright © 2015 All Rights Reserved

Designed by xetoyotahadong.com