Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Đền thiên hậu

Posted By: Unknown - 02:33

Đền Thiên Hậu (Thiên Hậu Cung)

Thiên Hậu Cung thường gọi là đền Thiên Hậu thờ bà Lâm Tức Mặc - một vị thần cùa người Hoa, đặc biệt là người Phúc Kiến (trong Hội An loại hình di tích tín ngưỡng này được gọi là Chùa Bà). Đền thiên hậu nằm trên phố Bắc Hòa của Phố Hiến xưa nổi tiếng với câu ca:
Bến Nễ Độ gió nâng thuyền gấm
Phố Bắc Hoà nguyệt ngắm rèm the
Thú đô hội trong ngoài chẳng thiếu

Vạn lai triều là tiểu kinh đô

"Đại Thanh Nhất Thống Chí viết: Thiên Hậu là tên một thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ, lớn lên có phép mầu cưỡi chiếu bay trên biển. Sau khi thăng hoá thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển. Thời Tống, Nguyên, Minh Thanh thường hiển linh. Thời Khang Hy phong làm Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu.
Về sự tích của bà chúng ta còn thấy ghi trong Đại Nam nhất thống chí, Ô Châu cận lục ..., tại đền Thiên Hậu ở Phố Hiến cũng có hai cuốn sách chép về về sự tích của bà, là: Thiên Hậu thánh mẫu thánh tích đồ chí và cuốn Thiên Thượng thánh mẫu cứu khổ chân kinh.
Việc thờ Thiên Hậu dễ dàng được người Việt chấp nhận bởi vì đó là nữ thần. Bà Thiên Hậu là người Trung Hoa được đi theo đường biển vào nước ta và ngược các dòng sông đi lên. Hiện nay chúng ta thấy dọc theo bờ biển của Việt Nam có rất nhiều đền thờ Thiên Hậu như: ở Phố Hiến (Hưng Yên), cửa Càn ở Nghệ An, Hội An, Quảng Nam  - Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh ... Đâu có dấu chân của người Phúc Kiến di cư thì nơi đó có thờ Thiên Hậu".
Thông thường khi nói đến Thiên Hậu ai cũng nghĩ đó là vị thần biển của Trung Hoa. Đối với người Việt, trong thời kỳ bước đầu thương mại tương đối mở rộng thì hiện tượng các thần biển đi theo thương thuyền vào đất liền đã là một thực tế của lịch sử. Một xu hướng thường đưa các thần biển gắn liền với các sự tích Trung Hoa, được coi như để làm sang thần, tạo thêm uy thế cho thần. Chúng ta thấy bên cạnh các thần biển như thần độc cước hoặc những cây cỏ (cây mía) được tràn theo triền sông tới các vùng châu thổ là có nguồn gốc từ hệ tộc Mã Lai đa đảo thì nhiều thần linh của biển  như là thần Nam Hải (tức hình tượng thiêng hoá của cá voi) cũng đã đi vào đến tận miền trung du mà chúng tôi có thể biết được như ở Thạch Thất - Hà Tây với đình Hữu Bằng, thì một số vị thần linh khác cũng đã theo triền sông vào cùng với Nam Hải Đại Vương, như: Tứ vị thánh nương, rồi bà Thiên Hậu  của những người Trung Hoa cũng được đưa vào. Song, khi người Việt thờ bà thì đã chuyển hoá bà theo các vị thánh mẫu của mình, hay nói đúng hơn bà là hoá thân của thánh mẫu Việt. Và như vậy, ngôi đền Thiên Hậu ở Hưng Yên vừa mang tính chất Trung Hoa, vừa mang tính chất Việt và được cả người Hoa cũng như người Việt đều tôn sùng.
Đền Thiên Hậu được xây dựng từ thế kỷ XVII, thời kỳ thịnh đạt và phát triển rực rỡ của Phố Hiến. Theo truyền ngôn của nhân dân nơi đây, cũng như Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung thuộc khu vực Hiến hạ, hầu hết vật liệu kiến trúc công trình đều được làm sẵn từ Trung Quốc rồi chuyển sang theo đường biển. Toàn bộ ngôi đền toạ lạc trên một khu đất rộng 1250 m2,mặt tiền của đền quay nhìn về hướng đông nam. Tổng thể kiến trúc của đền khép kín hình chữ nhật và mang đậm nét kiến trúc Hoa Nam. Kiến trúc chính của đền từ ngoài vào trong bao gồm: cổng nội, cổng ngoại, đông phối, tây phối, hữu giải vũ, tả giải vũ, thiêu hương và cuối cùng là hậu cung.
Cổng ngoại gồm có ba cửa, cổng được xây bằng gạch. Cửa chính giữa có quy mô lớn với bộ mái xây trên hai trụ gạch được lợp bằng ngói âm đương, bờ nóc được đắp cao, chạy dài ra hai đầu rồi uốn cong vút lên, trên bờ nóc đắp trang trí hình hoa lá mang đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa. Hai cổng phụ nhỏ hơn nằm cách xa cổng chính và nối liền với cổng chính bằng hệ thống tường rào gạch hoa bằng sứ men ngọc, với nhiều dạng hoa văn như:chữ thọ, chữ vạn, hoa cúc. Cổng ngoại có tác dụng che chở cho toàn bộ di tích nhưng không hề nặng nề, nó vừa đảm bảo được công dụng của nó, vừa mang một giá trị nghệ thuật cao.

Qua cổng ngoại vào đến sân trước cổng nội, tại đây có một đôi nghê ngồi chầu ra phía ngoài, được đặt đối xứng ở hai bên cửa chính. Đôi nghê này được tạc bằng đá hoa cương - là một tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm đặc trưng của văn hoá Trung Hoa. Hai con nghê: một con ngậm ngọc bích(tượng trưng ở đay là một viên đá tròn được đặt trong miệng nghê một cách khéo léo), một con đang ôm con, mỗi con một dáng vẻ khác nhau trông rất sống động. Về sự tích hai con nghê này, còn lưu truyền câu chuyện đổi con lấy ngọc: một con nghê vì tham lam nên đã đem con mình để đổi lấy ngọc, sau đó thì ân hận nên được thể hiện với nét mặt buồn rầu; một con thì đổi được nghê con nên nét mặt cười rạng rỡ. Người dân ở đây còn  truyền  lại câu ca:
Tham vàng bỏ nghĩa ai ơi
Vàng thí ăn hết nghĩa tôi vẫn còn
 Song, theo chúng tôi thì ngoài câu chuyện mang tính giáo dục ấy thì con nghê này còn là một linh vật, tượng trưng cho trí tuệ và sức mạnh tầng trên, nó được đặt ở vị trí này với tư cách như là một vị thần kiểm soát tâm hồn những người hành hương, đồng thời ngăn chặn những tà ma, quỷ quái muốn vào quấy nhiễu. Hai con nghê, một đực, một cái được bố trí đối xứng như vậy còn là biểu hiện của thế âm dương đối đãi theo tư tưởng Dịch học của Nho giáo.
Tiếp theo là đến cổng nội, đây là một công trình kiến trúc Trung Hoa có kết cấu bằng gỗ, pha lẫn kiến trúc Việt Nam, mái được lợp bằng ngói âm dương, bờ nóc cũng được đắp cao chạy dài, trên đó gắn nổi một vài hình tượng thuộc tích truyện của Trung Quốc bằng mảnh sứ trông rất vui mắt. Bộ vì của cổng chính có kêt cấu theo kiểu 4 hàng chân, chồng rường đấu vuông thót đáy. Trên các hoạ tiết của di tích, bên cạnh đề tài hoa, lá chúng ta còn thấy các hoa văn vân xoắn, đặc biệt trên một số con rồng và đầu dư còn thấy có các đao lửa của tạo hình Việt, chứng tỏ niên đại của di tích có từ thế kỷ XVII. Cổng nội có ba cửa làm theo kiểu bức bàn, mỗi cửa gồm hai cánh, trên mỗi cánh phía ngoài đều có phù điêu quan văn, quan võ được chạm nổi, liền khối với cánh cửa. Tượng khá lớn, chiếm toàn bộ diện tích cánh cửa và được tô sơn xanh, đỏ:

Hai tượng ở cửa chính được tạo tác cầu kỳ, trang phục theo kiểu võ tướng, tay cầm chấp kích, khá to lớn, nét mặt béo tốt, trang nghiêm. Phía trên cửa là bức đại tự "Thiên Hậu Cung".
Bốn tượng ở bốn cánh của hai cửa phụ tạc giống nhau, đều có trang phục theo lối quan văn, tượng được thể hiện như đang chuyển dộng trong tư thế uyển chuyển mềm mại, khác hẳn với tư thế trang nghiêm của hai tượng ở cửa giữa. Có thể nói đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng gỗ lớn nhất mang nét văn hoá của người Hoa trên đất Phố Hiến.

Qua cổng nội là vào đến sân trong, được khép kín bởi hệ thống các kiến trúc liên hoàn từ cổng vào, gồm đông phối (nay thờ Tứ phủ chầu bà), tây phối (nay thờ Tam toà Thánh mẫu), hai giải vũ và khu thờ chính. Ở đây, chúng ta quan tâm đền khu thờ chính, gồm: toà tiền bái và hậu cung. Toà tiền bái nối với hậu cung tạo thành hình chữ "đinh", toàn bộ ba mặt của toà tiền bái không có tường bao, kết cấu kiến trúc được tạo bởi bốn hàng cột, nhưng thực chất là chỉ có ba, vì hàng cột quân phía ngoài được làm bỏ lửng từ trên xuống và ở đầu cột phía dưới là một bông hoa cách điệu, hàng cột này không hề chịu lực nhưng người ta vẫn đưa vào để khi tiếp cận chúng ta vẫn thấy được sự cân đối của di tích. Bộ vì của toà tiền bái có kết cấu theo kiểu chồng rường, với những đấu được tạo bởi những bông hoa cách điệu. Trên toàn bộ câu đầu, vì kèo, xà nách, xen kẽ giữa các con kê là rất nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ, gồm hình người với các tích trong các truyện của Trung Quốc như: Tây du ký, Tam quốc chí ... và đề tài cỏ cây, hoa lá, muông thú các loại, được tô màu vàng, xanh, đỏ song không loè loẹt. Tiếp theo là vào đến hậu cung, nơi thờ chính của di tích.

Ở đây, các ban thờ được bài trí trang nghiêm, cân đối, hài hoà, ngoài các đồ tế tự được mang sang từ Trung Quốc trước đây như: bộ ngũ sự, bát hương, độc bình, các đồ bát bảo ... là những hiện vật đáng quan tâm, thì di tích còn hệ thống tượng thờ như: Thuỷ tiền vương, Thiên Hậu, Quan lớn tiền phong, Thiên lý nhãn, Thiên lý nhĩ ... là những pho tượng đẹp được tạo tác công phu. Thực sự đây  là những hiện vật có giá trị nghệ thuật của di tích.


Di tích đền Thiên Hậu với một kiến trúc mang đậm phong cách Phúc Kiến, là một minh chứng khá cụ thể về sự hội nhập văn hoá của người Việt và đây cũng là một nguồn tư liệu, một tài sản văn hoá quý giá để nghiên cứu, tìm hiểu về Phố Hiến.  

Chi tiết kiến trúc Đền Thiên Hậu

Admin Unknown

Chào mừng bạn đến với trang thông tin Phố Hiến, cùng chúng tôi hãy xây dựng một Phố Hiến văn hóa, bản sắc, phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

BẢN ĐỒ PHỐ HIẾN NAY

TRANG TIN

Trang tin nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Phố Hiến Hưng Yên

Copyright © 2015 All Rights Reserved

Designed by xetoyotahadong.com