Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Dampier rời khỏi vương quốc Đàng Ngoài

Posted By: Unknown - 03:28

Vì thuỷ triều hiện tại không thuận cho việc khởi hành, tôi đi dạo chơi và tham quan Phố Hiến một ngày. Đêm đến tôi lên đò. Người ta chọn đi về đêm cho mát và chèo thuyền suốt đêm. Kích cỡ của con đò này vào khoảng con đò Gravesend ở ta, và được dùng cho mục đích đưa khách. Nó có một mái nhẹ phía trên để che mưa. Ngoài đò của chúng tôi còn có 4 hay 5 chiếc khác đầy ắp hành khách cùng đi ngược sông. Trên đò của chúng tôi có cả thảy chừng 20 người, cả đàn ông và đàn bà, và 4 đến 6 người chèo. Phụ nữ chọn một góc để ngồi riêng rất ý tứ. Đàn ông thì khác, tuy rất nhã nhặn nhưng họ ngồi túm tụm chẳng để ý đến xung quanh. Thoạt đầu tôi đứng giữa một đám đông nhất nhưng bụng dạ tôi không thể chịu được cái cảnh đứng lâu một chỗ. Khoảng nửa đêm chúng tôi lên bờ, dừng một lúc ở trạm nghỉ gồm một vài mái nhà đứng chon von ở chân bờ sông. Những người phục vụ đã thắp đèn, chuẩn bị chè, rượu, chút đỉnh thịt cùng với các loại đồ nhắm khác để phục vụ hành khách. Đây là khu nhà trạm nên thu nhập của họ có lẽ phụ thuộc vào lượng hành khách ghé chân. Chúng tôi dừng ở đó chừng một giờ đồng hồ rồi lại xuống đò đi tiếp. Hành khách nói chuyện rôm rả hoặc hát hò suốt dọc đường - mặc dù tôi nghĩ là họ giống như đang khóc than hơn là đang ca hát. Tôi giữ im lặng vì chẳng thể nói chuyện được với ai. Khoảng 8 hoặc 9 giờ sáng ngày hôm sau tôi lên bờ, con đò tiếp tục đưa số hành khách còn lại đi lên nhưng tôi không hiểu là nó sẽ đi lên đến đâu. Hiện tại tôi ở cách Kẻ Chợ chừng 5 hoặc 6 dặm nhưng đường đi thì khá tốt vì địa hình ở đây là đất cát cao ráo, đường đi lại bằng phẳng và khô ráo. Tầm trưa tôi vào đến Kẻ Chợ. Tôi tìm đến nhà của ông Bowyer - một thương nhân tự do – nơi mà thuyền trưởng Weldon hiện đang trú ngụ để ở đó với họ vài ngày. Nhưng chứng bệnh của tôi đang trở nên trầm trọng mỗi ngày đã làm tôi suy kiệt sức khoẻ nên tôi không dám tin là mình có thể đi được đến đó. Bên cạnh sự ốm yếu là nỗi thất vọng khi tôi được các nghe tin tức có liên quan. Tôi nhận thấy rằng có vẻ như tôi sẽ không được trưng dụng trong bất kỳ một chuyến đi nào đến các quốc gia lân cận như trước đây tôi đã từng được đề nghị. Vì thế tôi rất nóng lòng muốn quay trở lại tàu càng sớm càng tốt. Thật may là thuyền trưởng Weldon đã tiến hành xong các công việc của ông ở Kẻ Chợ và đang chuẩn bị xuôi dòng.
Vì thế tôi lại xuôi dòng trên chiếc thuyền mà thương nhân của chúng ta đã thuê để chở hàng hoá từ trên Kẻ Chợ xuống tàu. Trong số hàng hoá còn có hai chiếc chuông, mỗi chiếc nặng chừng 500 cân, đặt người Đàng Ngoài đúc ở Kẻ Chợ để đem về cho chúa Falcon - vị thượng thư cao nhất của vua Xiêm – dùng trong một số nhà thờ ở nước Xiêm. Người chứng thực và chịu trách nhiệm vận chuyển là thuyền trưởng Brewster – người mới đến Đàng Ngoài không lâu trên thuyền của vua Xiêm và đã từng bị trôi dạt dọc bờ biển của Đàng Ngoài nhưng đã may mắn cứu được phần lớn hàng hoá và được bán ở Kẻ Chợ. Trong số hàng hoá mua về Xiêm có hai quả chuông và đều được chất lên tàu của thuyền trưởng Weldon. Khi thuyền tới Hiến, nha môn của quan trấn thủ lên thuyền tịch thu hai chiếc chuông nhân danh viên giám đốc thương điếm Anh - người biết rõ rằng chúng được đặt hàng cho vua Xiêm (các hàng hoá khác thì họ không biết chắc) trong khi người Anh lại đang có chiến tranh với nước Xiêm. Viên nha môn vờ như không biết đến việc tịch thu này mà viện đến lệnh của quan trấn thủ. Hai chiếc chuông được đưa lên bờ và giữ ở Hiến. Đây được coi là một hành động khó hiểu của viên giám đốc thương điếm Anh khi tịch thu hàng hoá của quốc vương Xiêm ngay trên sông của Đàng Ngoài. Hắn ta là một kẻ ti tiện đối với vị trí giám đốc mà hắn đang chễm trệ ngồi lên. Quả thực thì hắn ta đã từng là một nhân vật có tên tuổi, đã có thể làm nên chuyện trong nỗ lực tái lập quan hệ buôn bán với Nhật Bản - một nền mậu dịch lợi nhuận cao và luôn là sự khao khát của không chỉ người phương Đông mà cả người Âu chúng ta. Khi tôi còn lưu tại đó thì hàng năm đều có các thương thuyền đi lại buôn bán giữa Nhật Bản và Đàng Ngoài. Thông qua các thương thuyền này mà thương điếm Anh của chúng ta đã có thể thiết lập liên lạc và giao lưu. Nhưng hắn ta - một kẻ thiếu tài cán để xoay sở công việc đang nắm giữ - không phù hợp cho bất kỳ một việc thử nghiệm mới nào. Và cho dù người ta không nên làm các cuộc thử nghiệm hoặc khám phá mới một cách thiếu thận trọng, nhưng nếu ở đâu đó có triển vọng về lợi nhuận thì tôi nghĩ là chẳng có gì xấu để cho thương nhân thử nghiệm cả. Và nếu như tổ tiên của chúng ta cũng chậm chạp đến phì nộn như chúng ta hiện nay thì chắc chắn là chúng ta đã chẳng thể nào có thể hiểu biết được nhiều đến thế về con đường sang Đông Ấn và người Anh chúng ta chắc hẳn đã phải chịu ơn các nước láng giềng về các hàng hoá của phương Đông nhập khẩu về châu Âu. Điều gì đã làm chúng ta phải lưu tâm đến việc sang buôn bán ở Đông Ấn và các quốc gia khác? Nỗi niềm nào đã khiến người ta phải tìm đến nền thương mại Muscovites bằng cách nhân đôi đường qua mũi phía bắc, và cả bằng đường bộ sang Ba Tư? Thế mà giờ đây chúng ta rẻ rúng nền thương mại đó, ngồi vênh râu tự đắc mà nói kiêu ngạo “Cato, non minor estvitus quam querere paria tuiri”.[1] Đây là lời một thương nhân xuất sắc của Công ty Đông Ấn nói với tôi. Nhưng ngay khi anh ta ra đi thì các đối thủ của chúng ta đã lập tức xâm lấn. Bởi thế, vì quyền lợi thương nhân của chúng ta mà chúng ta phải sử dụng những người phù hợp làm việc trong các thương điếm bởi lẽ danh tiếng của Công ty lên hay xuống là ở sự quản lý khôn ngoan hay hành động kém cỏi của các thương điếm đó. Ngoài ra, giám đốc thương điếm không phải chỉ đơn thuần là thương nhân giỏi hay người trung thực cho dù đây là những phẩm chất cần thiết. Những người lãnh đạo cần phải biết nhiều hơn chứ không chỉ đơn thuần là các công việc mua, bán, giữ sổ sách - nhất là những nơi các thương nhân châu Âu khác cùng lưu trú buôn bán - bởi vì các thương nhân này xăm soi công việc quản lý buôn bán của chúng ta và luôn sẵn sàng tận dụng thời cơ để trục lợi cho họ từ những sai sót của thương điếm chúng ta. Không nên để lỏng một sự lưu tâm nào đã nói trên ở những nơi chúng ta có quan hệ thương mại. Nên có một sự hiểu biết nhất định giữa chúng ta và người địa phương cũng như sự cẩn trọng mà dù thế nào đi chăng nữa cũng không nên than phiền về những sự bất công trong buôn bán, như tôi có thể kể ra cụ thể là nó đã xảy ra ở đâu. Dù sao đây cũng là một chủ đề dễ gây ác cảm và những gì tôi đang nói chỉ là những khuyến cáo mà thôi. Riêng về vấn đề hiện tại, tôi cảm nhận rằng thương điếm của chúng ta ở Đàng Ngoài lẽ ra đã có thể lập được quan hệ thương mại tốt với Nhật Bản và Trung Quốc. Tôi thừa nhận rằng cuộc nội chiến giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong quả thực ngăn trở kế hoạch cử tàu đi Đàng Trong cũng như các quốc gia khác như Chămpa và Cao Miên - những vùng ít được biết đến. Bởi thế có vẻ là các chuyến đi trên sẽ không có lợi nhuận. Nhưng những khó khăn nói trên cũng không phải là quá lớn mà có thể vượt qua được bằng các giải pháp và sự mẫn tiệp. Bên cạnh đó, những thiệt hại có thể được bù đắp bằng các khoản lợi nhuận cao.
Nhưng hãy quay trở lại với cuộc hành trình, chúng tôi nhận thấy không có cách nào có thể xin lại được hai quả chuông nên cho thuyền rời Hiến để xuôi dòng xuống tàu. Sau vài ngày thuyền trưởng Weldon đến. Thuyền trưởng Brewster cũng đến cùng với vài người khác nữa để đi trên tàu. Hai chiếc tàu đến cùng thời gian với chúng tôi cũng đã sẵn sàng rời bến. Chúng tôi nhổ neo và tạm biệt vương quốc Đàng Ngoài.[2]




[1]Đại ý của câu này là: chẳng có điều trở ngại nào đang đến cả…
[2] Sau khi rời Đàng Ngoài, Dampier tiếp tục theo thuyền đi đến Malacca, Achin (Inđônêsia), pháo đài St. George (Ấn Độ) rồi lại quay sang pháo đài Bencounli (Inđônêsia) làm kỹ thuật viên quân sự trước khi trở về Anh vào đầu thập niên 1690 (Xem thêm tiểu sử của Dampier từ Lời Tựa ở đầu sách).  

Admin Unknown

Chào mừng bạn đến với trang thông tin Phố Hiến, cùng chúng tôi hãy xây dựng một Phố Hiến văn hóa, bản sắc, phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

BẢN ĐỒ PHỐ HIẾN NAY

TRANG TIN

Trang tin nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Phố Hiến Hưng Yên

Copyright © 2015 All Rights Reserved

Designed by xetoyotahadong.com