Trong vòng bốn ngày
chúng tôi tới Hiến, một
đô thị ở về phía đông con sông.[1] Trước khi đến Hiến một quãng ngắn, chúng tôi
thấy chỗ con sông tách thành hai nhánh: Domea
mà chúng tôi đang ngược dòng và nhánh Rokbo,
tạo nên một cù lao hình tam giác giữa hai nhánh sông ấy và biển. Tôi đã nói trước
đây là hai cửa sông cách nhau 20 hải lý.
Hiến ở cách nơi chúng tôi để tàu độ 60 dặm và và cách biển chừng
80 dặm. Nhưng nếu đi dọc theo nhánh (hoặc) sông Rokbo – nơi đất hướng mạnh về phương nam - sẽ thấy nó có vẻ xa biển
hơn. Hiến là một thị trấn rất đáng kể với khoảng
2.000 ngôi nhà. Nhưng dân
cư hầu hết là những người rất nghèo và những người lính đồn trú, cho dù ở đây chẳng
có tường luỹ, pháo đài hay súng thần công lớn.
[1] Trong tài liệu ghi là Hean (hoặc Haen, Hein trong tư liệu
của người Hà Lan) tức Phố Hiến, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.
Ở Phố Hiến có một phố thuộc về Hoa thương. Cách đây không lâu họ định cư đông đúc ở Kẻ Chợ. Về sau, số lượng người Hoa tăng nhanh đến nỗi dân địa phương gần như bị họ lấn lướt. Nhà vua nhận thấy điều này nên đã ra lệnh buộc họ phải rời đi, cho phép họ định cư ở bất kỳ đâu trừ ở kinh đô. Nhưng hiện tại hầu hết đều rời bỏ xứ này vì ngoài Kẻ Chợ ra họ không tìm được chốn nào thích hợp hơn để ở. Kẻ Chợ là thành phố buôn bán duy nhất ở trong nước và buôn bán lại là lẽ sống của người Hoa. Tuy thế, cũng có vài người bằng lòng đến ngụ cư tại Phố Hiến rồi ở đấy từ ngày ấy. Mặc dù đã có chiếu chỉ cấm đoán, những nhà buôn người Hoa vẫn không ngừng đi đến Kẻ Chợ để mua bán hàng hoá nhưng không được phép sống ở đó. Trong số các Hoa thương ở Đàng Ngoài có 2 người thường đem tơ sống và các sản phẩm lụa sang bán ở Nhật Bản. Các sản phẩm họ mang về Đàng Ngoài chủ yếu là bạc.[1] Họ đều để tóc dài, tết bím ra đằng sau theo lối cổ truyền trước khi bị người Mãn xâm lược. Người Pháp cũng có trạm buôn của họ ở Hiến nhưng người ta không cho phép họ đặt ở Kẻ Chợ. Dinh cơ của vị giám mục là ngôi nhà đẹp nhất trong thị trấn như tôi sẽ có dịp mô tả kỹ hơn trong phần sau.
Quan trấn thủ của tỉnh sống tại đây. Ông là một trong những ông quan to nhất của vương
quốc và bao giờ cũng giữ trong thị trấn một số lớn
binh lính và quan lại để ông dùng vào những việc ông cần. Ngoài ra tại
đây còn có những thuyền thuộc về nhà Vua (tôi sẽ mô tả ở phần sau). Chúng luôn
trong trạng thái sẵn sàng lên đường. Tôi được biết rằng người Âu không bao giờ
đưa tầu của họ lên tới đây nhưng người Hoa và người Xiêm cho thuyền của họ ngược
sông Rokbo lên buông neo ở Phố Hiến. Chúng tôi bắt gặp
ở đây mốt số thương thuyền Trung Quốc. Họ đi ở giữa sông vì ở chỗ này nước
không lên xuống là mấy. Người ta chẳng phân biệt được khi thuỷ triều dâng và
khi nó rút nếu căn cứ vào sự thay đổi của con sông vì lúc nào nó cũng chảy xuôi
xuống phía dưới, tuy rằng nó sẽ chảy không nhanh khi thuỷ triều dâng.
Ở độ cao này nước thuỷ triều cản lại dòng chảy một cách yếu ớt, nhưng dù thuỷ triều
không đủ mạnh để làm cho dòng nước đổi chiều vẫn làm nó chảy chậm lại và làm
cho mực nước dâng cao một chút.
Quan Tổng trấn hoặc
viên phó quan cấp giấy thông hành cho tất cả mọi thuyền bè đi ngược xuôi trên
sông. Người ta không cho phép một thuyền nào đi qua mà không có giấy
thông hành. Vì thế chúng tôi cũng phải dừng lại một lúc. Nhưng bởi chỉ ghé lại
một chút thôi nên tôi không lên bờ. Cũng may là ít lâu sau tôi lại có dịp để đi
thăm Phố Hiến.
Từ Phố Hiến chúng tôi mất thêm
2 ngày nữa thì lên đến Kẻ Chợ vì không còn sự trợ giúp của thuỷ triều nữa. Chúng
tôi lên thương điếm Anh. Tôi ở đây khoảng 7, 8 ngày trước khi quay trở
về tàu trên một chiếc ghe
nhỏ của người địa phương. Thời tiết rất đẹp khi chúng tôi ngược sông
nhưng lại mưa rả rích trong suốt những ngày tôi lưu lại Kẻ Chợ, sau đó thời tiết
rất ẩm ướt. Nhưng bây giờ tôi sẽ dành phần tiếp theo để mô tả chung về toàn xứ dựa
theo sự hiểu biết của cá nhân tôi cũng như những kinh nghiệm và kiến thức của các
thương gia cũng như nhiều người đáng tin khác đã sống ở đây - một số người thậm
chí đã sống ở đây suốt nhiều năm.
[1] Một người trong số đó đích thị
là viên thương nhân người Hoa Nithoe
trong tư liệu của thương điếm Anh (hay Itchien
theo cách gọi của người Hà Lan). Người còn lại có khả năng là viên thương gia
Nhật Bản định cư lâu dài ở Đàng Ngoài tên là Resimonde chứ không phải người Hoa. Có thể Dampier là đã có sự nhầm
lẫn nhất định.
SOCIALIZE IT →