Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Dampier mô tả việc truyền giáo tại Phố Hiến

Posted By: Unknown - 03:25

Khu nhà của vị giám mục khá thấp và gọn gàng, nằm ở phía tận bắc của Phố Hiến và gần bờ sông. Khu nhà có tường bao khá cao, cổng vào quay ra đường, tương đối rộng rãi, có nhà chạy hai bên lên tận khu tư dinh của giám mục. Phía trong tường là khoảnh sân nhỏ ôm gọn khu tư dinh. Cuối sân nhỏ là khu ở của các người giúp việc và các khu phòng ốc khác. Khu tư dinh không cao cũng chẳng rộng, không nằm chính giữa sân mà sát về mé đường. Cổng mở suốt ngày và chỉ đóng về đêm. Phía trước cổng vào có một phòng khá ngăn nắp, dường như được thiết kế để đón tiếp người lạ bởi vì dù liền với dãy nhà như một gian nhưng lại không có sự liên thông nào. Cửa vào phòng này nhìn ra cổng và cũng để mở toang suốt cả ngày.


Tôi đến và đi vào cổng nhưng không thấy ai ở ngoài sân nên tôi đi vào căn phòng đó. Ngay cửa có một sợi dây rủ xuống, tôi kéo dây và tiếng chuông vang lên, báo hiệu sự hiện diện của tôi. Vẫn chẳng ai xuất hiện nên tôi ngồi xuống chờ. Những chiếc ghế xinh xắn vây quanh chiếc bàn đứng giữa phòng và tường trong phòng được trang trí vài bức tranh phong cảnh châu Âu.
Chẳng bao lâu sau một trong số các vị linh mục đến tiếp kiến tôi rất lịch thiệp. Tôi thảo luận với ông rất nhiều điều. Ông là người Pháp nhưng nói tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha rất sõi. Chúng tôi trao đổi chủ yếu bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà tôi có thể hiểu tốt hơn là nói. Tôi hỏi, ông trả lời và ngược lại tôi trả lời các câu ông hỏi. Đôi khi vì không thể diễn tả bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi chuyển sang dùng ngôn ngữ La tinh - vốn chữ mà tôi vẫn còn lưu nhớ được chút đỉnh khi còn học ở nhà trường. Ông trò chuyện rất thoải mái và trước hết hỏi tôi về công việc tôi đang tiến hành. Tôi đáp rằng tôi đang trên đường lên Kẻ Chợ, nơi tôi đã đến một lần trước đó bằng đường thuỷ, nhưng bây giờ thì đi đường bộ để thoả chí tò mò, rằng tôi không thể nào có thể bỏ qua việc thăm viếng những người đồng hương châu Âu gặp trên đường, nhất lại là ở một nơi nổi tiếng như Phố Hiến đây. Ông ta còn hỏi tôi thêm nhiều chuyện nữa, nhất là tôi có phải là tín đồ Gia tô dòng Rô Ma không. Tôi đáp “không” và ngay sau đó lại tiếp tục bàn luận về chuyện tôn giáo, về sự tiến triển của phúc âm ở những vương quốc phương Đông. Thoạt tiên ông ta nói về đảo Nicobar, kể cho tôi nghe những gì mà tôi đã mô tả trong chương thứ 17 của cuốn Voyages round the World, trang 477 [320] bởi đây chính là nhân vật mà tôi đã trích dẫn và từ đó mà tôi đã có được quan hệ, như ông đã nói với tôi là ông có được từ một thày dòng Đôminican - người đã viết cho ông từ pháo đài St. George. Nhưng thày dòng đó lại từng là hành khách của thuyền trưởng Weldon trong chuyến đi từ một trong số đảo thuộc Nicobar đến pháo đài St. George. Tôi hỏi ý kiến thuyền trưởng Weldon về mối quan hệ đó khi đang viết cuốn sách trên và ông đưa ra những mô tả khá trái ngược về cư dân của vùng Nicobar, nói rằng họ là những người cứng đầu, dối trá và hay ăn cắp vặt, hoàn toàn không xứng đáng với những điều tốt đẹp mà vị thày dòng đã tả về họ.
Nhưng quay trở lại với cuộc đàm đạo giữa tôi và vị linh mục người Pháp ở Phố Hiến. Ông ta cho rằng ở sự truyền bá phúc âm ở Xiêm khá tốt thông qua sự truyền giảng của một vị giám mục Pháp và sự trợ giúp của một vài vị tu sĩ ở đó. Quan nhiếp chính của triều đình Xiêm, ngài Constant Falcon, đi theo đức tin của Rô Ma nên vua Xiêm cũng tin theo và dường như cả vương quốc cũng ngả theo đức tin này, đến nỗi người ta hi vọng rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa là toàn bộ vương quốc ấy sẽ được cải đạo. Mặc cho người dân Xiêm có xu thế chống lại đạo mới nhưng với tấm gương của vua và triều đình Xiêm, họ sẽ lần lượt đi theo, nhất là khi các linh mục ở Xiêm lại có được sự tự do để làm công việc của mình. Còn với Đàng Ngoài, vị linh mục cho biết, dân cư nhìn chung tin vào Cơ đốc nhưng triều đình lại nghiêm ngặt cấm đoán. Giáo sĩ sống ở đây không dám mặc nhiên công khai công việc truyền đạo của mình mà phải khép mình dưới danh nghĩa thương nhân thay vì giới tăng lữ. Đây là trở ngại lớn đối với công việc truyền giáo ở Đàng Ngoài nhưng các giám mục vẫn tìm được đường đi để đưa các con chiên thoát khỏi sự mê muội và vì thế đến nay đã có khoảng 14.000 người đã được cải đạo, nhiều người nữa đang được cải hoá hàng ngày. Ông ta nói với tôi rằng ở đây có 2 giám mục, tôi đoán họ đều là người Pháp. Một người được phong là giám mục Ascalon và người kia là giám mục Auran. Ở đây có 10 linh mục châu Âu và 3 linh mục người bản địa được tấn phong là linh mục của giáo hội Rô Ma. Tôi được cho biết rằng các vị giám mục người Pháp này không được sống ở Kẻ Chợ, cũng không được đi đến đó nếu không có giấy phép của quan trấn thủ. Bản thân giấy phép đó cũng chỉ có thể có được nếu như có sự ưu ái của một số quan lại sống ở Kẻ Chợ, những người cho rằng các giám mục và các người truyền giáo sinh ra là để biểu diễn các công việc tẹp nhẹp hay đại loại như thế. Những nhà truyền giáo ở đây đều thông thạo với các công việc sửa chữa các loại đồng hồ - những việc mà dân địa phương vốn kém hiểu biết – và điều này là một lợi thế để quan lại triệu tập họ lên Kẻ Chợ. Khi đã lên đến kinh đô rồi họ sẽ biến một việc cỏn con vốn cần không quá 5 đến 6 giờ đồng hồ để hoàn thiện thành một việc có vẻ khó khăn và cần gấp đôi thời gian, thậm chí phải vài ngày mới làm xong được. Theo cách này họ có thời giờ rảnh để thuyết giảng giáo lý trong khi lưu trú tại Kẻ Chợ. Họ cũng tranh thủ thời gian này để tụ tập với người Anh và người Hà Lan, những người luôn thịnh tình chào đón họ.

Tôi được thông báo một cách có cơ sở rằng những người được cải đạo thường là những người nghèo và trong những ngày giáp hạt, tiếng chuông leng keng gọi phân phát gạo còn góp phần cải đạo tốt hơn là các bài thuyết giáo. Ngay cả những người được cho là đã cải đạo - theo kiểu tràng hạt hay ảnh thánh - thì họ lại ngay lập tức suy giảm niềm tin khi nhìn thấy ruộng đồng tươi tốt lúa và không bao lâu sau sẽ chẳng còn là con chiên như khi linh mục ban phát thức ăn đồ uống cho họ trong lúc đói ăn. Bởi thế tôi không thể nghĩ gì hơn là các con chiên Đàng Ngoài này - những người vốn có những khái niệm sâu về vị thần tối cao của mình - lại có thể bị đưa đến chỗ tin theo Thiên chúa chỉ bởi những người nhiệt thành và tốt bụng. Ở mức độ hiện nay, nó dường như không có vẻ gì là đạo Thiên chúa lại có khả năng đơm hoa kết trái ở xứ sở này. Người Anh và người Hà Lan ở các vùng đất phương Đông này đều là những kẻ chẳng mấy nhiệt thành trong việc khuyếch trương thanh thế tôn giáo của họ - những người châu Âu khác cũng thế cả, ý tôi là những nhà truyền giáo, nhất là người Bồ - hơn là những kẻ thuyết giáo mù quáng. Nhưng thực ra mà nói bởi những nhà truyền giáo dòng Rô Ma là những người duy nhất vượt qua đại dương và lục địa để thu phục người cải đạo nên có vẻ như họ có thuận lợi hơn so với các mục sư Tin Lành ở các quốc gia thờ ngẫu tượng phương Đông. Họ chỉ việc đưa các linh vật cho việc hành lễ như người địa phương đã từng quen thuộc từ trước và chẳng hề hấn gì lắm để hoán đổi từ các tượng thần ngoại giáo sang ảnh thánh, những thứ có thể cứu thế cho cả các linh hồn nghèo khổ họ cải đạo vốn chỉ được hướng dẫn bằng cảm quan. Nhưng ở Đàng Ngoài cũng vậy, cư dân được sinh ra với một niềm tin vào các vị thần linh hoặc các nhân vật anh hùng của riêng họ vì thế khó mà có thể làm cho họ chuyển các thần tượng của họ sang một dạng mới nếu chúng ta không có những kiến giải sâu sắc hơn để khẳng định rằng những điều thay đổi đó có ý nghĩa hơn nhiều so với những gì mà các nhà truyền giáo thường có thể cố gắng giúp đỡ họ. Nếu tôi được phép tự do nói lên quan điểm của mình, tôi sẽ cho rằng sự sùng bái thần tượng của người theo Thiên chúa gây hại hơn là đem đến thuận lợi cho các giáo đoàn của họ. Vì thế, điều cần quan tâm hàng đầu là đưa tinh thần đạo đức và tính ân cần đến cho con người, tiếp đến là đem đến cho họ một lịch sử giản yếu và một giản đồ về đức tin căn bản của Thiên chúa, sau đó chỉ cho họ thấy họ sẵn lòng thế nào trước ánh sáng của đấng tự nhiên và Đức chúa thì đáng được tôn kính đến nhường nào. 

Admin Unknown

Chào mừng bạn đến với trang thông tin Phố Hiến, cùng chúng tôi hãy xây dựng một Phố Hiến văn hóa, bản sắc, phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

BẢN ĐỒ PHỐ HIẾN NAY

TRANG TIN

Trang tin nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Phố Hiến Hưng Yên

Copyright © 2015 All Rights Reserved

Designed by xetoyotahadong.com