Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

William Dampier và Phố Hiến

Posted By: Unknown - 01:31

William Dampier

Trong số những nhà du hành châu Âu đến thăm và mô tả vương quốc Đàng Ngoài cuối thời trung đại như Samuel Baron, Richard…William Dampier được coi là một trong những nhà du hành vĩ đại nhất của thời đại - người đã đi vòng quanh thế giới 3 lần và nhiều chuyến đi giữa các lục địa Âu-Mỹ, Âu-Á trong khoảng 40 năm hành nghề đi biển. Chuyến du hành của Dampier tới Đàng Ngoài được thực hiện năm 1688, ngay sau khi ông vừa từ miền Tây Ấn vượt Thái Bình Dương sang phương Đông. Ước vọng tìm kiếm một vị trí quan trọng trong những chuyến đi thám hiểm tiềm năng buôn bán của công ty Đông Ấn Anh (EIC) với các nước trên bán đảo Đông Dương đã thôi thúc Dampier đi theo thuyền trưởng Weldon sang Đàng Ngoài, nơi ông đã kỳ công nghiên cứu, quan sát và học hỏi để viết nên cuốn du hành ký nổi tiếng The Voyage to Tonquin (Chuyến du hành đến Đàng Ngoài). 

Trích đoạn Ghi chép của Dampier ở Phố Hiến

"...Ở Phố Hiến có một phố thuộc về Hoa thương. Cách đây không lâu họ định cư đông đúc ở Kẻ Chợ. Về sau, số lượng người Hoa tăng nhanh đến nỗi dân địa phương gần như bị họ lấn lướt. Nhà vua nhận thấy điều này nên đã ra lệnh buộc họ phải rời đi, cho phép họ định cư ở bất kỳ đâu trừ ở kinh đô. Nhưng hiện tại hầu hết đều rời bỏ xứ này vì ngoài Kẻ Chợ ra họ không tìm được chốn nào thích hợp hơn để ở. Kẻ Chợ là thành phố buôn bán duy nhất ở trong nước và buôn bán lại là lẽ sống của người Hoa. Tuy thế, cũng có vài người bằng lòng đến ngụ cư tại Phố Hiến rồi ở đấy từ ngày ấy. Mặc dù đã có chiếu chỉ cấm đoán, những nhà buôn người Hoa vẫn không ngừng đi đến Kẻ Chợ để mua bán hàng hoá nhưng không được phép sống ở đó. Trong số các Hoa thương ở Đàng Ngoài có 2 người thường đem tơ sống và các sản phẩm lụa sang bán ở Nhật Bản. Các sản phẩm họ mang về Đàng Ngoài chủ yếu là bạc.[1] Họ đều để tóc dài, tết bím ra đằng sau theo lối cổ truyền trước khi bị người Mãn xâm lược. Người Pháp cũng có trạm buôn của họ ở Hiến nhưng người ta không cho phép họ đặt ở Kẻ Chợ. Dinh cơ của vị giám mục là ngôi nhà đẹp nhất trong thị trấn như tôi sẽ có dịp mô tả kỹ hơn trong phần sau.
Quan trấn thủ của tỉnh sống tại đây. Ông là một trong những ông quan to nhất của vương quốc và bao giờ cũng giữ trong thị trấn một số lớn binh lính và quan lại để ông dùng vào những việc ông cần. Ngoài ra tại đây còn có những thuyền thuộc về nhà Vua (tôi sẽ mô tả ở phần sau). Chúng luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường. Tôi được biết rằng người Âu không bao giờ đưa tầu của họ lên tới đây nhưng người Hoa và người Xiêm cho thuyền của họ ngược sông Rokbo lên buông neo ở Phố Hiến. Chúng tôi bắt gặp ở đây mốt số thương thuyền Trung Quốc. Họ đi ở giữa sông vì ở chỗ này nước không lên xuống là mấy. Người ta chẳng phân biệt được khi thuỷ triều dâng và khi nó rút nếu căn cứ vào sự thay đổi của con sông vì lúc nào nó cũng chảy xuôi xuống phía dưới, tuy rằng nó sẽ chảy không nhanh khi thuỷ triều dâng. Ở độ cao này nước thuỷ triều cản lại dòng chảy một cách yếu ớt, nhưng dù thuỷ triều không đủ mạnh để làm cho dòng nước đổi chiều vẫn làm nó chảy chậm lại và làm cho mực nước dâng cao một chút.
Quan Tổng trấn hoặc viên phó quan cấp giấy thông hành cho tất cả mọi thuyền bè đi ngược xuôi trên sông. Người ta không cho phép một thuyền nào đi qua mà không có giấy thông hành. Vì thế chúng tôi cũng phải dừng lại một lúc. Nhưng bởi chỉ ghé lại một chút thôi nên tôi không lên bờ. Cũng may là ít lâu sau tôi lại có dịp để đi thăm Phố Hiến.
Từ Phố Hiến chúng tôi mất thêm 2 ngày nữa thì lên đến Kẻ Chợ vì không còn sự trợ giúp của thuỷ triều nữa. Chúng tôi lên thương điếm Anh. Tôi ở đây khoảng 7, 8 ngày trước khi quay trở về tàu trên một chiếc ghe nhỏ của người địa phương. Thời tiết rất đẹp khi chúng tôi ngược sông nhưng lại mưa rả rích trong suốt những ngày tôi lưu lại Kẻ Chợ, sau đó thời tiết rất ẩm ướt. Nhưng bây giờ tôi sẽ dành phần tiếp theo để mô tả chung về toàn xứ dựa theo sự hiểu biết của cá nhân tôi cũng như những kinh nghiệm và kiến thức của các thương gia cũng như nhiều người đáng tin khác đã sống ở đây - một số người thậm chí đã sống ở đây suốt nhiều năm...

Admin Unknown

Chào mừng bạn đến với trang thông tin Phố Hiến, cùng chúng tôi hãy xây dựng một Phố Hiến văn hóa, bản sắc, phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

BẢN ĐỒ PHỐ HIẾN NAY

TRANG TIN

Trang tin nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Phố Hiến Hưng Yên

Copyright © 2015 All Rights Reserved

Designed by xetoyotahadong.com