Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Chùa Phố

Posted By: Unknown - 02:21

Chùa Phố có tên tự hiện nay là Bắc Hoà Nhân Dân Tự, tên nôm là chùa Bắc Hoà, vì ở trong phố thuộc trung tâm thị xã nên người ta quen gọi là Chùa Phố. Chùa này chủ yếu quay ra phố và khi đã nói đến chùa Phố thì có nghĩa là yếu tố Phật của nó đã bị hạn chế và đã nói đến phố có nghĩa là Phố phường, là gắn với đô thị, gắn với sự phát triển kinh tế thương mại, cho nên tạm thời chúng ta có thể nghĩ được chùa Phố gắn với yếu tố thương mại trong bước phát triển của trung tâm thương mại Phố Hiến.
Chùa được những người Trung Quốc đến nơi đây làm ăn sinh sống và người bản địa xây dựng lên vào thế kỷ thứ XVIII - thời kỳ thịnh đạt của Phố Hiến. Vào thời kỳ này người Trung Quốc đến làm ăn sinh sống ở Phố Hiến rất đông, họ tập trung buôn bán và hình thành lên hai khu vực chính: Bắc Hoà hạ phố và Bắc Hoà thượng phố. Bắc Hoà hạ phố là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán ở ngay sát khu vực chợ - bến và khu vực thương điếm của các nước và liền kề với dinh của ty Hiến sát, cho nên khu vực này còn được gọi là Hiến hạ (Ngày nay thuộc về đường Phố Hiến, thôn Mậu Dương, phường Hồng Châu). Tuy nhiên, người Trung Quốc đến đây không chỉ nhằm mục đích buôn bán mà phần lớn trong số họ là vì không thuần phục nhà Thanh nên đã sang đây lánh nạn và xác định sẽ định cư lâu dài ở đây, hầu hết các dòng họ Trung Quốc đều mở cửa hàng để buôn bán ở khu vực chợ - bến, hết ngày họ lại về trong phố để ở và sinh hoạt. Khu vực tập trung đông người Trung Quốc lúc bấy giờ gọi là phố Khách (phố Khách gồm khu vực chạy dài từ đầu đường Trưng Trắc ra đến đường Bãi Sậy rồi vòng xuống đến khu vực Hồ Bán Nguyệt ngày nay). Chùa Phố ngày nay nằm ở ngã ba - nơi tiếp giáp giữa đường Trưng Trắc và đường Trần Quốc Toản, thuộc địa bàn phường Quang Trung. Từ đây xuống đến khu vực chợ - bến của Phố Hiến xưa khoảng 1500m, người ta quen gọi nơi đây là "Hiến thượng" hay "Bắc Hoà thượng phố".
Trải qua mỗi thời kỳ chùa đều được tu bổ, tôn tạo. Chùa được trùng tu lần cuối vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với kiến trúc hoàn toàn bằng vôi, gạch và gần như vẫn được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay.
Vì chùa được làm trong phố cho nên diện tích đất để xây dựng chùa không lớn. Toàn bộ khuôn viên (cũng là khu vực nội tự) của chùa nằm trên diện tích khoảng 800m2, mặc dù vậy chùa vẫn được xây dựng với đầy đủ các hạng mục công trình như  mô hình của mọi ngôi chùa khác. Chùa không có giếng, vườn, hay nói cách khác, yếu tố phong thuỷ ở ngôi chùa này không được coi trọng lắm. Điều này khẳng định sự tác động của nền kinh tế thương mại đã ảnh hưởng khá sâu sắc vào đời sống tam linh cổ truyền của những người dân nơi đây. Chùa Phố không phải là nơi thanh tịnh giúp cho người ta đến chỉ để tu hành, xa lánh cõi trần tục, tìm đến sự giác ngộ, để được giải thoát, viên mãn, ... mà chùa Phố mang một ý nghĩa khá thực dụng, đơn giản, nó mang tư cách là chỗ dựa tinh thần để cầu mong một cuộc sống tốt đẹp cho những người Trung Quốc xa quê hương đến lập nghiệp ở nơi đây. Chùa Phố còn là kết quả của sự giao lưu văn hoá - nó là một cầu nối giữa người Trung Quốc xa quê gốc và người dân bản địa, tránh được sự phân biệt, kỳ thị.
Hiện nay với các hạng mục công trình của chùa được bố trí xây dựng một cách hợp lý và đẹp mắt, nên vẫn có thể nói đây là một ngôi chùa độc đáo về kiến trúc so với các ngôi chùa khác trong quần thể di tích Phố Hiến, nó khác với lối kiến trúc truyền thống nhà gỗ thông thường. Ở đây kiến trúc chùa đã mang một dáng vẻ mới, hiện đại. Chùa Phố quay chính diện về hướng bắc và có lối kiến trúc tổng thể theo kiểu trùng thềm điệp mái. Tam quan chùa nằm ngay sát hè đường phố Trưng Trắc, kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, ở tầng trên cổng chính của tam quan là tượng Quan Âm Toạ Sơn có một tiểu đồng đứng hầu ở bên.
Qua tam quan là một sân gạch nhỏ được che phủ toàn bộ dưới bóng của cây đại cổ thụ, cây đại ở mỗi di tích được coi là cây thiên mệnh - mang tư cách chuyển tải linh hồn của vũ trụ và chứa đựng sinh khí của trời đất. Đây là thứ cây mà hầu hết ở đền chùa nào chúng ta cũng gặp. Tiếp theo sân là vào chùa chính.
Chùa chính được kiến trúc khá đặc biệt, khác hẳn với những ngôi chùa thông thường mà chúng ta thường gặp, toàn bộ chùa chính gồm 6 gian nối liền nhau theo chiều dọc không phân chia thành từng gian cụ thể, mà thông nhau, tạo ra một khoảng không gian khá rộng. Diện tích chùa chính khoảng 150m2 , chiều rộng 8m, chiều sâu gần 20m. 3 gian đầu tiên phía ngoài được lợp bằng ngói lá đề nhỏ, phía dưới để trần theo kiểu cuốn vòm. Toàn bộ ba gian này, trước đây, không bày biện gì mà cốt là để tạo ra một không gian thoáng cho các gian phía trong. Hai gian tiếp theo cũng để thông, đây là nơi để tín đồ hành lễ. Dọc theo tường của hai gian này là hai dãy phù điêu được đắp nổi bằng chất liệu vôi, cát và mật, có chiều dài gần 4m, cao 1m mô phỏng thập điện diêm vương theo ý thức tín ngưỡng của người đương thời. Tuy nhiên, các hình tượng mô tả thập điện diêm vương ở đây không có vẻ dữ dằn như chúng ta thường thấy ở các ngôi chùa khác, không có những cảnh vạc dầu, đầu rơi, máu chảy, quỷ mặt xanh ... nhằm để răn đe những người còn đang sống ở đời mà cách thể hiện ở đây lại khá nhẹ nhàng, êm ái, các hình tượng tạo tác chính là thập điện diêm vương, mỗi điện được mô tả một cách hết sức sống động, kẻ đứng người ngồi, mỗi người một vẻ nhưng dường như tất cả đều đang tập trung chú ý tới từng cử động, từng bước đi, lời ăn, tiếng nói của những người đang hành lễ để mà phán xét.
Tiếp theo, liền với hai bức phù điêu thập điện diêm vương là hai pho tượng Hộ Pháp hay còn gọi là ông Khuyến Thiện và ông Trừng Ác. Hai pho tượng này được đặt phía cuối của hai dãy phù điêu và quay mặt nhìn vào nhau. Đây là một nét khác biệt giữa chùa Phố với các ngôi chùa khác (Thường thì tượng Hộ pháp ở các chùa được đặt ở bên ngoài gian tiền đường và ngoảnh mặt ra để làm nhiệm vụ giám sát các hành vi của kẻ đi lễ và bảo vệ Phật pháp). Hai pho tượng hộ pháp của chùa Phố rất lớn, mỗi pho cao 3m ngồi trên lưng nghê trông dáng vẻ thật trang nghiêm. Toàn bộ kiến trúc từ ngoài vào trong kết hợp với sự bài trí tượng pháp tạo ra một không gian thiêng, làm cho người ta khi vào nơi đây như cảm thấy đã lạc vào cõi Phật, phải hết sức kính cẩn trong từng cử chỉ.
Tiếp sau hai tượng hộ pháp là điện Phật, nơi thờ chính của chùa. Gian này được kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, tạo cho thượng điện có một không gian cao, thoáng. Bệ thờ của thượng điện được xây giật cấp cao dần lên thành 5 cấp, mỗi cấp có một lớp tượng. Lớp cao nhất, trên cùng là ba pho Tam thế; tiếp đến lớp thứ 2 là bộ Di Đà tam tôn; lớp thứ 3 là tượng Chuẩn đề và hai vị bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền; lớp thứ 4 là Ngọc hoàng thượng đế và Nam tào, Bắc đẩu; lớp thứ 5 dưới cùng gồm toà cửu long, bên trong là tượng Thích ca sơ sinh, hai bên có tượng Phạm Thiên, Đế Thích. Nhìn chung các pho tượng của chùa Phố đều có niên đại tương đối muộn, hầu hết là của thế kỷ XIX và XX.
Bên cạnh, tiếp giáp với chùa chính là 4 gian nhà tổ, cũng có kiến trúc hết sức đơn giản, theo kiểu kèo cầu quá giang và thông luôn với sân trước, không để cửa, nên có cảm giác rộng rãi thoáng đãng, nơi đây còn là chỗ tiếp khách của nhà chùa. Tiếp đến là tăng phòng và nhà tạo soạn, nơi sinh hoạt của nhà chùa. Phía trước nhà tổ, qua một sân gạch nhỏ là một ngôi nhà mà từ phía ngoài vào chúng ta thấy ngôi nhà này liền kề với tam quan và cũng có cửa thông ra đường, phía trên cửa là hàng chữ Hán đắp nổi "Hưng Yên Tăng Truỳ" có nghĩa là: nơi rèn luyện, học tập của các sư trong chùa ....

Với một diện tích không lớn nhưng với cách bố trí khéo léo, toàn bộ ngôi chùa vẫn tạo ra được một dáng vẻ cổ kính với những đường nét hài hoà. Ngôi chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, song kể từ năm 1997, khi tỉnh Hưng Yên được tái lập, chùa Phố đã được chọn làm trụ sở của Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên, chùa đã được chỉnh sửa lại một số hạng mục công trình như: cải tạo lại tăng phòng và nhà tạo soạn thành 2 tầng, thay đổi vị trí các tượng pháp ... làm biến dạng di tích so với trước đây vốn có không nhỏ, tuy nhiên về tổng thể chùa Phố vẫn giữ nguyên được những giá trị của mình trong việc giúp chúng ta nhìn nhận về Phố Hiến xưa nói riêng và bộ mặt của xã hội Việt Nam nói chung trong một thời kỳ lịch sử.

Admin Unknown

Chào mừng bạn đến với trang thông tin Phố Hiến, cùng chúng tôi hãy xây dựng một Phố Hiến văn hóa, bản sắc, phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

BẢN ĐỒ PHỐ HIẾN NAY

TRANG TIN

Trang tin nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Phố Hiến Hưng Yên

Copyright © 2015 All Rights Reserved

Designed by xetoyotahadong.com