Văn miếu
được xây dựng năm 1838, trên nền ngôi chùa cổ "Nguyệt Đường Tự".
Đây là Văn miếu tỉnh Hưng Yên, nhưng vì nằm trên đất Xích Đằng, phường Lam Sơn
nên còn gọi là Văn miếu Xích Đằng. Văn miếu thờ đức Khổng Tử - người được người
đời tôn xưng là "Vạn thế sư biểu" (người thầy tiêu biểu của
muôn đời), và các vị chư hiền của Nho giáo. Như chúng ta đã biết, ở nước ta, trong quá trình phát triển của
Nho giáo và đề cao Nho học, Triều đình đã có quy định: Chỉ Kinh đô và các tỉnh
lớn mới được phép xây dựng Văn miếu, còn ở các nơi khác chỉ được phép xây Văn
chỉ. Tính đến hiện nay còn một số Văn miếu tiêu biểu, đó là: Văn miếu Quốc tử
giám (Hà Nội), Văn miếu ở Kinh đô Huế, Văn miếu tỉnh Bắc Ninh, Văn miếu Mao
Điền (Hải Dương) và Văn miếu Xích Đằng (tỉnh Hưng Yên). Về quy mô, về mặt giá
trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được, Văn miếu Xích Đằng chỉ đứng sau
Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội và Văn miếu ở cố đô Huế.
Mặc dù
Văn miếu Xích Đằng được xây dựng muộn, không phải vào thời kỳ thịnh đạt của Phố
Hiến. Song, đối với người dân Hưng Yên thì đây là một niềm tự hào về truyền
thống dạy và học của quê hương mình, mà truyền thống này nó phải được bắt nguồn
từ một nền tảng của sự phát triển nhất định, kể cả về kinh tế, văn hoá, xã hội:
Trong suốt 845 năm Hán học, cả tỉnh có 214 vị thi đỗ đại khoa, nhiều người đã
có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp xây dựng đất nước như: Đỗ Thế Diên (người
Cổ Liêu - Đường Hào), thi đỗ đời Lý Cao Tông (1185) làm quan đến chức Triều
nghị đại phu; Phạm Ngũ Lão (người Thổ Hoàng - Ân Thi), một dang tướng
thời Trần, một thi sỹ nổi tiếng; Nguyễn Trung Ngạn (người Thổ Hoàng - Ân
Thi), 12 tuổi đỗ Thái học sinh, 16 tuỏi đỗ Hoàng giáp, đi sứ Bắc, soạn sử Nam,
đại thần trải năm đời vua Trần; Đào Công Soạn (người Thiện Phiến - Tiên
Lữ), văn chương chính sự nổi tiếng một thời; Lê Như Hổ (người Tiên Châu
- Tiên Lữ), nhà toán học, ngoại giao, sử học lỗi lạc....
Trải qua
nhiều biến đổi, theo những thăng trầm của lịch sử, của điều kiện tự nhiên, hiện
nay Văn miếu Xích Đằng vẫn gìn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, gồm:
Tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dãy tả vu, hữu vu và toàn bộ khu thờ
chính. Đặc biệt, Văn miếu còn lưu giữ được nguyên vẹn 9 bia đá ghi tên tuổi
những người con của quê hương Hưng Yên
đã đỗ đại khoa (từ tiến sĩ trở lên) trong suốt những năm Hán học. Cùng
với các di tích khác trên vùng đất Phố Hiến, Văn miếu là bằng chứng sống động
về truyền thống văn hiến, là điểm tựa cho lòng tự hào và chiến lược phát triển
con người của Hưng Yên trong tương lai.
Các di
tích hiện còn trong quần thể di tích Phố Hiến, là một phức hợp các tôn giáo tín
ngưỡng thuộc nhiều loại hình, mang những giá trị nghệ thuật độc đáo của cả
phương đông và phương tây. Các di tích này chứa đựng những giá trị to lớn về
mặt lịch sử, văn hoá và là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hoá của
dân tộc. Trên đây chúng tôi đã khảo sát một số di tích tiêu biểu, đặc trưng cho
các loại hình di tích tín ngưỡng của người Việt, cũng như người ngoại quốc đã
để lại trên mảnh đất Phố Hiến. Bên cạnh những di tích này còn rất nhiều di tích
khác như: Đền Mẫu, Đền Trần, Võ Miếu, Đình Hiến, ... là những di tích cũng khá nổi bật trong quần thể
di tích Phố Hiến. Ở đó, còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hoá và những
thông tin bổ ích. Song, chúng tôi nghĩ, với những di tích đã mô tả ở trên cũng
đã phần nào giúp chúng ta khái quát được các giá trị lịch sử, văn hoá của quần
thể di tích Phố Hiến. Sự tồn tại của các di tích này, mặt nào đã phản ánh về
một bước phát triển của kinh tế thương mại, song rõ ràng nền kinh tế thương mại của Phố Hiến, suy cho cùng, vẫn chưa thoát
ly hẳn với cái nền tảng cơ bản là nông nghiệp. Vì vậy nó không có xu hướng, hay
nó chưa có điều kiện đầy đủ để tiến lên tư bản chủ nghĩa. Nằm trong phạm trù
của nông nghiệp, với sự buôn bán còn có mặt hạn chế của thời kỳ trung cổ, nên
Phố Hiến tuy phát triển là một đỉnh cao thương mại trong thế kỷ XVII - XVIII,
nhưng dù sao nó cũng vẫn bị sự kìm chế nhất định, khiến nó chỉ có khả năng đánh
dấu một bước phát triển và chưa có đủ sức để thúc đẩy nền kinh tế nước ta đương
thời tiến lên làm thay đổi bộ mặt của đất nước.
SOCIALIZE IT →